Cho bé ăn dặm như thế nào là hiệu quả?

Rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng về thời điểm và cách thức cho con ăn dặm hiệu quả nhất.Tuy nhiên, thật ra nó cũng sẽ không quá áp lực nếu các bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cũng như kiến thức.Hãy đọc những hướng dẫn dưới đây để biết cách cho bé ăn dặm hiệu quả nhé!

>>>5 sai lầm mẹ cần tránh khi cho bé ăn dặm

Nên cho bé ăn dặm vào thời điểm nào?

Trong 6 tháng đầu, trẻ được khuyến khích cho bú mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầy đủ và an toàn nhất cho bé vào thời điểm này. Giai đoạn ăn dặm nên bắt đầu sau 6 tháng theo như hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới WHO.

Việc cho con ăn dặm quá sớm ( trước 4 tháng ) sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm cũng như gây hại đến hệ tiêu hóa và tiết niệu đang phát triển của bé. Thời điểm 6 tháng, lượng sắt trong cơ thể trẻ bắt đầu suy giảm. Đồng thời, chất dinh dưỡng từ sữa không còn đủ cho bé nữa. Việc cho con ăn dặm quá muộn, sâu thời điểm này cũng sẽ khiến bé kén ăn.

Việc cho con ăn dặm quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm
Việc cho con ăn dặm quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm

Những dấu hiệu thể hiện bé đã sẵn sàng cho việc ăn dặm

Bên cạnh thời điểm, những dấu hiệu chứng tỏ con bạn đã sẵn sàng cho việc ăn dặm cũng rất quan trọng. Nhiều đứa trẻ mặc dù đã đến thời điểm ăn dặm nhưng nếu bé chưa sẵn sàng, bé sẽ không ăn. Thông thường, khi bé nhà bạn đã có thể ngồi và giữ đầu một cách ổn định; biết cách kết hợp các hoạt động của tay, mắt và miệng để tự nhặt đồ ăn và đưa vào miệng; và biết nuốt đồ ăn thì có nghĩa là bạn đã có thể cho con ăn dặm.

Bé mới tập ăn dặm nên ăn gì?

Bạn có thể trộn một vài thìa các loại thực phẩm dưới đây với sữa mẹ để cho con ăn:

  • Bột ăn dặm chuyên dụng.
  • Một số loại hoa quả mềm, được nghiền nát như chuối, bơ hoặc một số loại đã qua lửa như táo và lê.
  • Các loại rau được xay nhuyễn dưới dạng bột như cà rốt, khoai tây, khoai lang, chùm ngây, bí đỏ,…
  • Bạn cũng có thể thử cho con ăn một số loại củ quả mà ở dạng con có thể cầm nắm được. Những loại này nên được cắt thành miếng với kích thước thích hợp với bé.

Khi cho con ăn, bạn nên bắt đầu từ lượng nhỏ trước, đừng cố găng cho con ăn nhiều hơn 2 thìa đầy. Hãy nhớ rằng, mùi vị thực phẩm rất khác sữa mẹ nên đừng cảm thấy ngạc nhiên khi con phun mưa nhé. Bé chỉ cần một thời gian để làm quen thôi. Thỉnh thoảng, bạn có thể cho con tự cầm thìa hoặc tự chọn món mà con thích ăn. Như vậy sẽ kích thích con ăn ngon hơn

Để giữ an toàn cho bé trong thời điểm này, tốt hơn hết bạn nên ở bên cạnh bé. Nhớ rằng phải giữ cho bé ngồi ở tư thế đúng, có hỗ trợ (các loại ghế ăn hiện nay rất tiện dụng). Điều này sẽ làm giảm nguy cơ bé bị sặc và hóc. Tốt nhất mỗi lần, bạn nên cho con ăn một loại thức ăn để phòng trường hợp dị ứng.

Tuy vậy, điều quan trọng nhất bạn cần làm là lắng nghe nhu cầu của con. Bạn đừng quá vội vàng hay cố gắng bắt con ăn theo ý của bạn. Khuyến khích con tự ăn và tự cầm nắm thức ăn. Điều đó có thể sẽ khiến giờ ăn của con trở nên lộn xộn nhưng lại rất tốt cho sự phát triển của bé.

Add a Comment